Cách nấu cháo cà rốt cho bé ăn dặm thơm ngon, dễ làm

04/06/2022

Giàu vitamin, dưỡng chất, giúp cải thiện thị lực, làm đẹp da, bảo vệ tim mạch,… là những công dụng tuyệt vời mà cháo cà rốt đem lại. Thế nhưng, ba, mẹ có biết rằng bên cạnh những lợi ích đó thì cà rốt là một loại nguyên liệu vô cùng dễ chế biến? Cà rốt có thể được luộc, hấp, nướng, nấu cháo hoặc kết hợp với bất cứ nhóm thực phẩm nào cũng đều thơm, ngon. Hãy cùng Burine tìm hiểu những cách chế biến món ăn cho bé với cà rốt nhé!

Các cách nấu cà rốt cho bé ăn dặm

Chế biến món ăn bằng cà rốt vô cùng đơn giản. Là một thực phẩm có màu đẹp mắt và vị dễ ăn nên ba, mẹ có thể luộc, nấu cháo cà rốt, hấp hay nướng đều ngon.

Cà rốt luộc

Luộc cà rốt là một phương pháp nấu ăn đơn giản dành cho ba, mẹ nào không có quá nhiều thời gian. Khi luộc, cà rốt sẽ chín, mềm, thơm và ngọt hơn. Sau công đoạn rửa sạch và gọt vỏ, tốt nhất nên cắt cà rốt thành lát mỏng để hấp chín nhanh. Tiếp theo, đun một nồi nước sạch với nửa muỗng cà phê muối, khi nước sôi thì cho cà rốt vào nồi. Khoảng 5 phút sau, nếu thấy cà rốt đã chín mềm thì vớt ra đĩa, trang trí thêm một chút hành hoặc lá thyme để món ăn trông hấp dẫn hơn.

Cà rốt luộc cho bé tập ăn dặm

Cà rốt luộc cho bé tập ăn dặm

Cà rốt luộc có thể được ăn trực tiếp, chấm với nước tương hoặc nghiền nhừ đều ngon. Cà rốt luộc có vị ngọt thanh, thơm lừng và màu sắc hấp dẫn. Để món cà rốt luộc ngon hơn, có thể tham khảo một số mẹo như:

    • Dùng nước luộc gà hoặc nước hầm xương (nếu có) thay cho nước lọc. Lúc này, đảm bảo vị cà rốt luộc của món ăn sẽ cực kỳ thơm, ngon, kích thích sự thèm ăn của bé yêu.
    • Nên hạ lửa nhỏ sau khi cho cà rốt vào nồi, đợi nước sôi một lần nữa thì cà rốt sẽ chín. Đây là một mẹo căn thời gian luộc rau, củ áp dụng khi trong bếp không có đồng hồ tính giờ.
    • Lát cà rốt nên có độ dày khoảng 0,5cm là phù hợp. Lý do là nếu lát cà rốt dày quá sẽ làm nướu con yêu bị đau khi cắn, còn mỏng quá sẽ dễ bị dính xuống mặt đĩa, gây khó khăn khi gắp.

Cà rốt hấp

Ngoài luộc thì hấp cà rốt cũng là một cách chế biến giúp tăng hàm lượng β-Carotene, hỗ trợ tăng cường thị lực cho bé. Khi luộc lâu, cà rốt sẽ bị nước nóng rửa trôi đi chất dinh dưỡng. Vì vậy, hấp là một giải pháp tốt hơn để chế biến món cà rốt thơm, ngon, bổ dưỡng cho bé.

Sau khi làm sạch và gọt vỏ, ba, mẹ đem cà rốt đi cắt lát 0,5cm. Tiếp theo, cho một lượng nước vào nồi hấp và đun với lửa vừa. Để đĩa cà rốt vào xửng hấp, đậy nắp và chờ khoảng 10 phút. Sau khi hết thời gian, nếu cà rốt và chín, mềm và dậy mùi là món ăn đã thành công.

Cà rốt hấp cho bé tập ăn dặm

Cà rốt hấp cho bé tập ăn dặm

Để hấp cà rốt được dễ dàng, ba, mẹ nên áp dụng những mẹo sau:

    • Có thể dùng nồi cơm điện để hấp cà rốt giúp tiết kiệm thời gian: Cho chén cà rốt vào nồi cơm trước khi ấn nút, sau khi cơm chín thì món ăn cũng sẽ hoàn thành.
    • Nếu hấp bằng xửng, nên cho ít nhất 500ml nước vào nồi. Nếu hấp quá ít nước, đáy nồi sẽ nhanh chóng bị cạn, còn nếu cho quá nhiều thì nước sẽ lâu sôi, dẫn đến cà rốt chưa chín.

*** Tìm hiểu thêm: Lên thực đơn ăn dặm cho bé giai đoạn 6 tháng tuổi

Cháo cà rốt

Cháo cà rốt là một món ăn hoàn hảo cung cấp nguồn năng lượng và chất dinh dưỡng cần thiết cho con yêu. Thành phần để nấu món cháo cà rốt bao gồm: gạo tẻ, cà rốt, nước và hạt nêm.

Sau khi gọt vỏ và rửa sạch, nên cắt cà rốt thành từng miếng nhỏ để nấu nhanh chín hơn. Dùng gạo để nấu cháo, còn cà rốt thì mang đi hấp hoặc luộc. Sau khi cà rốt chín thì lấy ra, nghiền mịn rồi cho vào nấu cùng với cháo. Nêm nếm gia vị rồi đun tiếp trong khoảng 3 phút, sau đó tắt bếp.

Món cháo cà rốt này có màu cam hấp dẫn, vị ngọt tự nhiên và thơm vô cùng. Để món ăn ngon hơn, ba mẹ có thể cho thêm các nguyên liệu sau:

    • Nước hầm xương: Nấu cháo bằng nước hầm sẽ khiến món ăn thơm, đậm đà tự nhiên không cần nêm nếm gia vị. Hơn thế nữa, nước hầm xương còn cung cấp các axit amin giúp thành ruột chắc khỏe, tăng cường khả năng miễn dịch cho bé.
    • Phô mai, sữa: Cho thêm các nguyên liệu này sẽ giúp món cháo của bé thơm, béo và giàu chất dinh dưỡng hơn. Đặc biệt, với những bé lười uống sữa thì món ăn này sẽ giúp ba, mẹ bù lại lượng sữa còn thiếu cho con.

Cháo cà rốt - bữa ăn dinh dưỡng cho bé

Cháo cà rốt – bữa ăn dinh dưỡng cho bé

Cà rốt nướng

Không chỉ giàu dinh dưỡng mà những que cà rốt đẹp mắt, thơm lừng chắc chắn sẽ trở thành một món ăn khiến bé thích mê. Ba, mẹ cần chuẩn bị một chiếc lò nướng, cà rốt (nên chọn loại củ nhỏ), dầu olive, lá bạc hà, muối và tiêu.

Đầu tiên, làm nóng lò nướng ở 200℃ và cho khay đã có sẵn giấy nướng vào. Sau khi làm sạch thì cà rốt cần được cắt bỏ đuôi, cắt thành từng thanh nhỏ dọc theo thân củ với kích thước khoảng 5cm. Tiếp theo, trộn cà rốt đã cắt với dầu olive rồi sắp xếp lên khay nướng, cho vào lò và nướng trong vòng 20 phút với nhiệt độ 180℃. Sau 20 phút, lật cà rốt lại rồi nướng thêm 10 phút nữa. Khi đã nướng xong, ba, mẹ bày món ăn ra đĩa và rắc một chút muối, tiêu, lá bạc hà băm nhuyễn lên là đã hoàn thành món cà rốt nướng. Ba, mẹ cần lưu ý:

    • Không nên rắc bạc hà lúc vừa nướng xong vì nhiệt độ có thể làm héo lá.
    • Có thể cho gia vị vào trước hoặc sau khi nướng đều được. Tuy nhiên, với những bé còn nhỏ thì tốt nhất nên rắc tiêu trước và nướng cùng với cà rốt để giảm bớt mùi hăng của tiêu sống, giúp bé dễ ăn hơn.

Ngoài làm bữa ăn chính thì cà rốt nướng cũng có thể trở thành một món ăn vặt khoái khẩu của bé.

Món cà rốt nướng

Món cà rốt nướng

>> Xem thêm: Cháo sữa Burine – giải pháp thông minh cho bé tập ăn dặm.

Cháo cà rốt nấu với gì cho bé ăn dặm?

Mặc dù cà rốt chứa một lượng calo thấp nhưng hàm lượng dinh dưỡng lại cao nên dù có ăn nhiều thì cũng không lo ảnh hưởng đến cân nặng. Ngoài ra, ăn cà rốt còn mang lại nhiều lợi ích như: giúp sáng mắt, điều trị tiêu chảy, cải thiện trí nhớ, chắc răng, ngăn ngừa bệnh ung thư,…

Cà rốt còn có thể được kết hợp với nhiều loại thực phẩm khác nhau để tạo nên món cháo thơm ngon.

Cháo cà rốt nấu với nhóm rau củ quả

Cà rốt có thể được kết hợp với nhiều loại rau, củ, quả khác để tạo thành một bữa ăn giàu chất xơ. Một số món cháo cà rốt nấu cùng các loại thực vật khác gồm: cháo cà rốt nấu khoai lang, khoai tây, bí ngòi,…

Lưu ý, có một số loại thực phẩm đại kỵ với cà rốt, không được sử dụng để nấu chung như: cà tím, chanh vàng. Nấu cháo cà rốt chung với cà tím sẽ gây khó tiêu, có hại cho dạ dày. Còn khi nấu với chanh vàng, lượng vitamin C sẽ bị phá hủy bởi các enzyme trong cà rốt, khiến cơ thể bé yêu không hấp thụ được lượng dinh dưỡng ban đầu.

Cháo cà rốt nấu với các loại rau, củ, quả gì?

Cháo cà rốt nấu với các loại rau, củ, quả gì?

Cháo cà rốt nấu với nhóm thực phẩm cung cấp chất đạm

Có rất nhiều các món ăn được nấu từ cà rốt kết hợp cùng các thực phẩm cung cấp chất đạm. Một số món phổ biến như cháo cà rốt lươn, thịt bò, trứng gà, óc heo, cá hồi, tôm,…

Những món ăn này đều cung cấp một nguồn dinh dưỡng vô cùng lớn và đầy đủ, từ vitamin, chất xơ, chất béo đến các khoáng chất tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, cần lưu ý không nấu cà rốt chung với gan động vật vì vitamin trong cà rốt sẽ làm oxy hóa các khoáng chất trong gan, gây cản trở quá trình hấp thụ các ion kim loại vào trong cơ thể.

Nhóm thực phẩm cung cấp chất đạm

Nhóm thực phẩm cung cấp chất đạm có thể dùng để nấu cháo cà rốt

Cháo cà rốt nấu với nhóm tinh bột

Nấu cà rốt với nhóm tinh bột mang lại một món ăn giàu dinh dưỡng, giúp bé no bụng, thỏa sức vui chơi mà không sợ mệt mỏi. Một số món cháo cà rốt nấu với thực phẩm giàu tinh bột bao gồm: 

    • Cháo ngô cà rốt.
    • Cháo yến mạch cà rốt.
    • Cháo khoai lang cà rốt.
    • Cháo cà rốt nấu cùng các loại hạt, ngũ cốc khác như đậu Hà Lan, đậu đỏ, đậu xanh,…

Ngoài những thực phẩm trên, lượng tinh bột trong gạo cũng góp phần tiếp thêm năng lượng cho con hoạt động cả ngày dài.

Cà rốt nấu với ngũ cốc giàu tinh bột

Cà rốt nấu với ngũ cốc giàu tinh bột

*** Đừng bỏ qua thông tin hữu ích trong vấn đề chăm sóc trẻ: https://burine.vn/tra-hoa-qua-cho-be-co-tot-khong/

Gợi ý cách nấu các món cháo cà rốt cho bé ăn dặm thơm ngon, hấp dẫn

Qua những gì đã nêu, có thể thấy cà rốt rất dễ kết hợp và chế biến thành nhiều món cháo ăn dặm cho bé. Sau đây, Burine xin gửi đến các ba, mẹ một số công thức nấu cháo với cà rốt vô cùng hấp dẫn, đảm bào sẽ chinh phục khẩu vị con yêu.

Cháo cà rốt trứng gà

Trứng gà là một nguyên liệu vừa ngon, bổ, rẻ lại dễ tìm, hầu như lúc nào cũng có mặt trong tủ lạnh của mọi nhà. Đây là một món cháo đơn giản nhất để nấu cho bé.

Nguyên liệu bao gồm:

    • Gạo để nấu cháo.
    • 50g cà rốt.
    • 1 quả trứng gà.
    • Hành và ngò.
    • Gia vị.

Các bước thực hiện:

    • Bước 1: Vo gạo và đem đi nấu cháo. Nếu là bé đang tập ăn dặm thì nên ninh cháo thật mềm, nhừ để con dễ nuốt.
    • Bước 2: Khi cháo đã chín thì đập trứng gà cho vào nồi, dùng muôi đảo thật nhanh để trứng gà trộn đều với cháo, không bị vón cục.
    • Bước 3: Cà rốt đem đi rửa sạch, gọt vỏ rồi cắt miếng vừa ăn, sau đó cho vào nồi ninh cùng với cháo. Nếu bé chưa thể nhai thì nên luộc cà rốt và nghiền nhuyễn thay vì cắt miếng.
    • Bước 4: Nêm gia vị cho vừa ăn rồi đậy nắp ninh thêm 5 phút.
    • Bước 5: Tắt bếp, múc cháo ra chén và rắc thêm một ít hành, ngò đã băm nhuyễn lên.

Cháo cà rốt trứng gà cho bé tập ăn dặm

Cháo cà rốt trứng gà cho bé tập ăn dặm

Cháo cà rốt lươn

Lươn là một thực phẩm có vị thơm, ngọt và giàu dinh dưỡng, vô cùng có lợi cho sự phát triển về thể chất của bé. Khi mua lươn, nên chọn con còn sống khỏe, da trơn, nhẵn, có màu sắc rõ ràng (bụng màu vàng và lưng màu đen), không bị thương hay có mùi khó chịu.

Nguyên liệu bao gồm:

    • 100g thịt lươn.
    • 50g cà rốt (khoảng nửa củ).
    • Gạo để nấu cháo.
    • 1 củ hành tím.
    • Dầu olive.
    • Gia vị.

Cách thực hiện:

    • Bước 1: Làm sạch nhớt trên da của lươn bằng muối và nước sôi, sau đó cắt bỏ đầu cùng với nội tạng rồi rửa sạch.
    • Bước 2: Rửa sạch, gọt vỏ và cắt cà rốt thành hình hạt lựu.
    • Bước 3: Luộc lươn và cà rốt trong khoảng 15 phút. Lưu ý rằng có thể luộc chung 2 nguyên liệu này với nhau.
    • Bước 4: Tách thịt lươn ra khỏi xương.
    • Bước 5: Làm nóng chảo và phi thơm hành tím với 2 muỗng canh dầu olive. Sau đó, cho thịt lươn đã tách vào chảo xào đều trong vòng 5 phút.
    • Bước 6: Nấu cháo. Sau khi cháo sôi thì cho phần thịt lươn vừa xào và cà rốt đã luộc vào nấu cùng. Có thể nêm nếm cho vừa ăn rồi đậy nắp, ninh thêm trong 3 phút.
    • Bước 7:Tắt bếp và múc cháo ra chén.

Cháo cà rốt nấu lươn

Cháo cà rốt nấu lươn

Cháo cà rốt thịt bò

Là một loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao nên hầu như thịt bò được rất nhiều ba, mẹ lựa chọn làm nguyên liệu nấu cháo cho con, nhất là khi con bị ốm.

Chuẩn bị nguyên liệu:

    • Gạo để nấu cháo.
    • 80g thịt bò.
    • 50g cà rốt.
    • 1 củ hành tím.
    • Hành lá, ngò.
    • Gia vị.

Cách nấu cháo cà rốt thịt bò cho bé:

    • Bước 1: Rửa sạch, gọt vỏ cà rốt, sau đó cắt hạt lựu.
    • Bước 2: Làm sạch thịt bò rồi băm nhuyễn.
    • Bước 3: Trộn cà rốt và thịt bò cùng với nhau, cho thêm một chút tiêu và nước mắm để ướp.
    • Bước 4: Vo sạch gạo rồi rang thơm, sau đó đem gạo đi nấu cháo.
    • Bước 5: Khi cháo đã chín, cho phần thịt bò và cà rốt đã ướp vào đảo đều, cho thêm 2 đến 3 muỗng cà phê dầu ăn để hạt cháo bóng bẩy, hấp dẫn hơn.
    • Bước 6: Ninh cháo thêm 5 phút rồi tắt bếp, múc ra chén, rắc thêm một chút hành và ngò đã băm nhuyễn để món ăn thơm, ngon, bắt mắt hơn.

Cháo thịt bò nấu cà rốt cho bé

Cháo cà rốt thịt bò cho bé

Cháo cà rốt khoai lang

Là một thực phẩm giàu chất xơ và tinh bôt, cháo cà rốt khoai lang chắc chắn sẽ cung cấp một nguồn năng lượng cho bé thoải mái vui chơi, học tập.

Nguyên liệu như sau:

    • 100g khoai lang (khoảng nửa củ cỡ vừa).
    • 50g cà rốt.
    • Gạo để nấu cháo.
    • Hành lá hoặc ngò
    • Gia vị.

Các bước thực hiện:

    • Bước 1: Vo gạo và ninh nhừ thành cháo.
    • Bước 2: Rửa sạch, gọt vỏ rồi cắt nhỏ cà rốt và khoai lang. Sau đó đem đi hấp chung một lượt.
    • Bước 3: Sau khi cà rốt và khoai đã chín, cho vào máy xay nhuyễn hoặc dùng muỗng tán mịn.
    • Bước 4: Cho 2 loại nguyên liệu trên vào nấu cùng với cháo.
    • Bước 5: Nêm nếm cho vừa miệng rồi tắt bếp. Múc cháo ra chén và rắc một ít hành lá hoặc ngò lên trên.

Cháo cà rốt khoai lang với màu sắc vàng óng, mịn màng, hấp dẫn

Cháo cà rốt bí ngòi

Ngoài cung cấp những chất dinh dưỡng thường có trong rau, củ thì bí ngòi còn giúp giảm lượng đường trong máu, cải thiện tình trạng tim mạch. Kết hợp với cà rốt, bí ngòi hoàn toàn phát huy công dụng làm sáng mắt bởi cũng sở hữu một lượng β-Carotene dồi dào.

Nguyên liệu cần chuẩn bị gồm:

    • Gạo để nấu cháo.
    • 100g bí ngòi.
    • 50g cà rốt.
    • Nước hầm xương (nếu có).
    • Gia vị.

Cách thực hiện:

    • Bước 1: Rửa sạch, gọt vỏ rồi cắt hạt lựu cà rốt và bí ngòi. Sau đó, cho 2 nguyên liệu này vào nồi hấp chín.
    • Bước 2: Nấu cháo với nước hầm xương. Khi cháo đã chín, cho cà rốt và bí ngòi vào ninh thêm 5 phút.
    • Bước 3: Nêm nếm cho vừa miệng rồi tắt bếp, múc cháo ra chén.

Cháo bí ngòi cà rốt

Cháo cà rốt nấu cùng bí ngòi

Cháo cà rốt là một món ăn giàu dinh dưỡng và đặc biệt sẽ ngon hơn nếu ba, mẹ biết nấu đúng cách. Qua bài viết này, mong rằng ba, mẹ đã bỏ túi được những công thức nấu ăn ngon với cà rốt để chuẩn bị cho bé nhà mình một thực đơn dinh dưỡng. Ngoài ra, đừng quên mua ngay cháo sữa Burine bổ sung vào thực đơn ăn dặm của bé ba, mẹ nhé!

Bài Viết Liên Quan

12/04/2024

Mùa hè nóng bức, bé bị nóng trong người gây nổi mẩn đỏ và cảm giác ngứa ngáy là nỗi lo lớn của ba mẹ. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ chia sẻ những thông tin hữu ích và những biện pháp giúp mẹ cải thiện tình trạng này trong mùa nắng nóng. Nguyên nhân khiến trẻ bị nóng trong người – Ăn ít chất xơ hoặc uống quá...

Xem thêm...

11/04/2024

Tháp dinh dưỡng không chỉ đơn giản là một bảng danh mục thực phẩm mà bé nên ăn, mà còn là một hệ thống tổ chức cẩn thận, nhằm đảm bảo bé nhận được đầy đủ dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển và sức khỏe toàn diện. Hãy cùng Burine tìm hiểu về tháp dinh dưỡng cho bé ăn dặm ngay tại bài viết dưới đây nhé! 1....

Xem thêm...

27/03/2024

Mẹ có biết từ 6 tháng đến 3 tuổi là giai đoạn bé dễ ốm vặt, ho sốt hay gặp các bệnh về tiêu hóa không? Bởi đây là thời điểm hệ miễn dịch của bé chưa được hoàn thiện, vi khuẩn rất dễ xâm nhập khiến bé bị ốm. Cùng Burine tìm hiểu bé hay ốm vặt nên bổ sung gì qua bài viết dưới đây nhé! 1. Nguyên...

Xem thêm...